Advertisement

Sau 10 năm, Nhà vô địch Olympia Phan Minh Đức đang có cuộc sống thế nào và có những dự định gì cho tương lai?

Nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia đang làm gì, thành công ra sao là câu hỏi muôn thuở nhưng chưa bao giờ cũ, mỗi năm họ đều được khán giả nhắc đến và đem ra bàn luận, cân đo. Trong số các nhà vô địch thì Phan Minh Đức (1992) là một cái tên thường xuyên nhận được sự quan tâm, có lẽ bởi vì anh chính là người đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại có thể mang vòng nguyệt quế về cho Hà Nội.

Sau cuộc thi, anh lên đường du học ngành Tài chính - Kế toán tại ĐH Swinburne, sau đó anh tiếp tục học lên Thạc sĩ ngành Chính sách ngân hàng và có nghiên cứu về Kinh tế lượng. Hiện anh đang là Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế, đồng thời anh đang tham gia phát triển một dự án giáo dục tại Việt Nam.

Sau 10 năm, Phan Minh Đức - cậu học sinh trường Ams trên sân khấu Olympia giờ đây là ai và có cuộc sống thế nào, hãy cùng lắng nghe chàng trai này tâm sự nhé!

Anh còn nhớ về lần mình đứng trên sân khấu truyền hình trực tiếp trong trận Chung kết năm Olympia chứ? Anh có từng nghĩ mình sẽ đoạt ngôi Vô địch?

Đến bây giờ mình vẫn nhớ y nguyên cảm giác đứng trên sân khấu, không chỉ ở trận Chung kết năm mà tất cả các vòng thi, vì với một cuộc thi mà có loại trực tiếp thì vòng nào cũng là Chung kết hết. Tất nhiên là với Chung kết năm thì mọi thứ sẽ khác hơn rất nhiều, từ việc chương trình diễn ra trực tiếp trên sóng truyền hình với hàng triệu người xem đến các điểm cầu truyền hình tại các trường,... Những điều này mang đến cảm xúc rất mạnh và khó quên.

Còn khi đi thi thì tất nhiên ai cũng sẽ hi vọng mình là người chiến thắng rồi, mình may mắn đã đạt được vị trí đó và cũng được mọi người biết đến nhiều hơn. Điều này cũng mang lại cho mình những thuận lợi nhất định trong cả công việc và cuộc sống.

Các Nhà vô địch thường sẽ được dân tình chú ý vào 1 thời điểm trong năm, đó là khi Chung kết Olympia diễn ra. Anh có bao giờ sợ hãi vì điều này?

Đúng là điều này có hay xảy ra, mình nghĩ đây cũng là chuyện rất bình thường và không có gì đến mức “sợ hãi” cả. Chỉ có điều là mọi người hay quan tâm đến việc các Nhà vô địch Olympia đang làm gì, đã thành công, thành đạt chưa và đôi lúc là cả đời sống cá nhân nữa. Mình nghĩ cho dù là Nhà vô địch Olympia thì bọn mình cũng là những người bình thường với những cuộc sống riêng, kế hoạch và dự định riêng và mong mọi người tôn trọng điều đó.

Anh có từng tự search tên mình trên Google hay nhấp link, tìm đọc một bài báo viết về mình chưa? Lúc ấy phản ứng của anh ra sao?

Mình cũng có tò mò tìm thử thì thấy xuất hiện nhiều nhất là bài viết với nội dung “ông tổ nghề rửa bát”. Cái này thì thực ra là vui thôi, việc đi làm thêm với du học sinh tại Úc là rất bình thường, mình khác cái là được truyền thông chú ý hơn một tẹo và được anh chị báo chí ưu ái đặt cho một danh hiệu nghe rất kêu.

Có những năm người lên ngôi Vô địch được đem ra mổ xẻ, bàn luận và gây tranh cãi. Năm 2010, hẳn là anh cũng từng chịu những áp lực này không ít thì nhiều, anh đã đối diện với nó như thế nào?

Câu hỏi này thì mình thấy rất hay, thực ra áp lực này không chỉ dừng ở năm 2010 đâu mà vẫn tiếp tục về sau nữa, có chăng là ở năm đó thì áp lực lớn hơn gấp nhiều lần thôi, và mình nghĩ với những nhà vô địch khác cũng vậy. Mọi người sẽ nhìn mình với mặc định là Phan Minh Đức Olympia chứ không phải là một Phan Minh Đức đơn thuần nữa.

Có một điều mình chưa từng chia sẻ, đó là hãy nhìn chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia như một cuộc thi kiến thức dành cho học sinh chứ không phải là tìm kiếm nhân tài học thuật.

Bản thân các thí sinh tham gia cuộc thi cho dù có thắng cuộc hay chưa đạt thành tích thì đều là những học sinh có năng lực, trong đó nhiều người rất giỏi. Tuy nhiên từ những học sinh giỏi đến với sự thành đạt, thành công là một khoảng cách rất xa và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy nên mong mọi người hãy nhìn cuộc thi với góc nhìn nhẹ nhàng hơn, với kỳ vọng nhỏ hơn để những vòng nguyệt quế khi các thí sinh đội lên được giảm đi “sức nặng”.

Khác với các Nhà vô địch khác, anh có vẻ khá cởi mở chia sẻ thông tin và quan điểm của mình trên MXH. Vì sao anh lại mạnh dạn làm điều này trong khi số khác lại ái ngại?

Có thể chỉ đơn giản là những người khác không thích sử dụng MXH thôi. Về phần mình, mong muốn được hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và giúp các bạn trẻ có nhận thức đúng đắn về việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Việc sử dụng nền tảng MXH là một phương thức hiệu quả để bản thân mình tiếp cận gần hơn với các bạn thông qua các group, fanpage, talkshow mà mình tạo lập và tổ chức. Đối với mình, đây vừa là cách để khẳng định bản thân, vừa là cách để chia sẻ và đóng góp giá trị tới cộng đồng, xã hội.

Ở Úc, anh đã gặp mặt hết các anh chị, các bạn Nhà vô địch Olympia chưa? Đến nay anh còn giữ mối liên hệ thân thiết với ai không?

Mình cũng có may mắn được gặp mặt gần hết những Nhà vô địch trước và sau năm của mình, ngoại trừ Hoàng Cường vì tình hình dịch Covid-19 không cho phép, và Thế Trung, Thu Hằng vì hai bạn chưa sang Úc thôi.

Mình vẫn giữ liên lạc với mọi người ở bên Úc này. Trước Covid-19, chúng mình vẫn thường sắp xếp gặp nhau. Trong số các anh chị và các bạn thì mình hay gặp Thế Anh (O13) nhất vì tụi mình tham gia đá bóng mỗi cuối tuần. Ngoài ra, mình cũng hay gặp và trò chuyện với anh Mạnh Tân (O2) và học được từ anh Tân rất nhiều.

Có khá nhiều Nhà vô địch thành công và khiến công chúng ngưỡng mộ về những thành tựu mà mình có, mà cái dễ nhận ra nhất hẳn là tài sản mà họ đã sở hữu được. Vậy thì với anh, sau 10 năm, anh đã có gì được gọi là thành tựu chưa?

Không phủ nhận tài sản là một trong những yếu tố quan trọng để làm thước đo cho sự thành công, với nhiều người thì đó còn là yếu tố quan trọng nhất. Mình khá ngại chia sẻ vấn đề này nhưng thành thật mà nói thì bản thân mình chưa tích lũy được nhiều do đi theo hướng học hành và làm công việc giảng dạy. Tuy nhiên thì hiện tại mình cũng đang trong nhóm thành viên sáng lập và là cổ đông của một start-up về giáo dục trực tuyến, bọn mình vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển.

Phan Minh Đức vinh dự được đại diện sinh viên phát biểu trong lễ tốt nghiệp

Điều gì anh nghĩ khán giả đã từng nghĩ sai về các Nhà vô địch Olympia?

Câu này thì mình đã trả lời ở trên, các thí sinh Olympia là những học sinh giỏi, có năng lực, nhưng đến mức xuất chúng hay nhân tài thì khách quan mà nói là bọn mình cần cố gắng nhiều mới đạt được mức đó, tất nhiên là có những anh chị hay các bạn có thể ở mức như vậy nhưng theo mình thì chỉ là số ít.

Ngoài ra thì mình có thấy một điều đó là bất kì một post nào liên quan đến Olympia thì đều có bình luận: “Cuộc thi tìm kiếm nhân tài dành cho Nước Úc”.

Xin khẳng định một điều như thế này, đó là nước Úc có rất nhiều nhân tài khác, giỏi và thành công hơn bọn mình gấp nhiều nhiều lần. Ở Việt Nam bọn mình là Nhà vô địch Olympia, nhưng khi đến Úc bọn mình là một du học sinh bình thường như hàng nghìn du học sinh khác, vẫn phải cố gắng, phấn đấu từng ngày. Thậm chí còn áp lực hơn để đáp ứng được kỳ vọng của mọi người. Hơn nữa mọi người chỉ nhìn việc những Nhà vô địch Olympia sống tại Úc nhưng đâu biết được thực sự họ đã đóng góp gì về cả vật chất hay tri thức cho Việt Nam đúng không? Bản thân việc những anh chị thành công, thành đạt tại đây cũng là một sự đóng góp về việc giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế rồi.

Anh từng vỡ mộng về điều gì khi sang Úc du học?

Không đến mức “vỡ mộng” vì mình là dân chuyên Lý nên suy nghĩ thực tế lắm. Nhưng cũng có khá nhiều điều bất ngờ khi sang Úc học. Từ những điều nho nhỏ như đi siêu thị có thể tự tính tiền, trong nhà hàng thì nước sốt như tương ớt phải mua chứ không miễn phí, hay mức lương cho các công việc phổ thông như bồi bàn, phụ bếp, pha chế v..v.. cũng khá cao, đủ để tự trang trải cuộc sống nên gần như ai sang đây cũng đi làm thêm, kể cả những bạn gia đình có điều kiện ở mức khá giả.

Từng có quan điểm người đi du học khi trở về khó có đất dụng võ ở Việt Nam. Vậy theo anh, nó có đúng không? Bản thân anh thì nghĩ đâu là lý do níu chân một du học sinh ở lại sau khi du học xong?

Theo quan điểm của mình thì không nhất thiết cứ phải về sống ở Việt Nam và làm việc tại Việt Nam mới cống hiến cho đất nước được. Ví dụ như bản thân mình nếu quay về Việt Nam làm thì có thể đóng góp trực tiếp bằng cách đóng thuế hoặc tạo ra một sản phẩm, dịch vụ hay giá trị nào đó. Nhưng nếu ở Úc thì mình cũng làm được những việc tương tự.

Khách quan mà nói thì việc về nước làm sau khi đi du học cũng có đôi chút khó khăn, khó khăn ở đây không phải là về cơ sở vật chất hay điều kiện mà về những rào cản khác như sự thích nghi và tính phù hợp. Việc học tập tại một nền giáo dục, một môi trường và bắt đầu công việc tại một môi trường khác là một thách thức lớn và đòi hỏi thời gian để có thể thích nghi.

Nếu mình là một nhà tuyển dụng trong nước, chắc chắn mình sẽ ưu tiên chọn một bạn sinh viên học trong nước, thay vì một du học sinh mới vừa tốt nghiệp xong và về nước. Và mình nghĩ rằng đây là một trong muôn vàn yếu tố để các bạn cân nhắc khi trả lời câu hỏi rằng mình sẽ tiếp tục lập nghiệp như thế nào, ví dụ như khoảng cách với gia đình, cơ hội việc làm, khả năng tài chính, môi trường sống, chuyện tình cảm cá nhân,... Mình nghĩ rằng đây là một quyết định hoàn toàn thuộc về cá nhân, và không nên có sự phán xét đúng sai cho lý do mà mỗi người đưa ra.

Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Phan Minh Đức đang ấp ủ những dự định gì trong tương lai?

1. Tiếp tục hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận đó là FYE - Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên và YLN - Mạng lưới Lãnh đạo trẻ Việt Nam.

2. Chia sẻ nhiều hơn các bài viết liên quan tới quan điểm và trải nghiệm của bản thân trên fanpage "Phan Minh Đức Olympia".

3. Tổ chức một số buổi tư vấn/hướng nghiệp nâng cao cho các bạn học sinh, sinh viên.

4. Bắt đầu học một lĩnh vực hoàn toàn mới.

Video có thể bạn quan tâm

Advertisement
Thu Phương
Link nguồn: https://cafebiz.vn/phong-van-quan-quan-olympia-nam-thu-10-o-viet-nam-la-nha-vo-dich-sang-uc-tim-ten-minh-tren-google-nhung-chi-ra-ong-to-cua-nghe-rua-bat-20211108072013119.chn?fbclid=IwAR1ByJUyyMFT2u3pK255JHE6riFJSgIiHkEIqo0GUUWGtvf0auqPUqVXQYE
SHARE:

Tin liên quan

2 Quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia trở về nước sau khi du học giờ ra sao?

Đây là 2 Quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia quyết định trở về nước lập nghiệp sau khi hoàn thành việc du học...

Trước khi được phong Phó Giáo sư tại Úc, Á quân Đường lên đỉnh Olympia đầu tiên từng gây bão vì quan điểm dạy con khác biệt

Bên cạnh sự nghiệp thăng hoa, Nguyễn Thành Vinh còn có cuộc sống viên mãn bên bà xã là bạn học cùng cấp 3.

2 Quán quân Olympia tiết lộ về tài sản ở Úc: Người từng ở nhà tranh lụp xụp giờ có cả biệt phủ lộng lẫy

Lê Vũ Hoàng - Quán quân mùa 5 và Phan Minh Đức - Quán quân mùa 10 là hai Quán quân từng chia sẻ về tài sản của mình ở...

Loạt câu hỏi Olympia bị tố sai kiến thức nghiêm trọng: Làm mất ngôi Quán quân và học bổng du học Úc của thí sinh

Trong suốt 20 năm phát sóng, nhiều lần chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia bị dân tình soi ra lỗi sai kiến thức.

Cựu thí sinh Olympia "lột xác" xuất sắc sau 3 năm, tiết lộ bí quyết không học "trường chuyên, lớp chọn" nhưng vẫn có điểm thuộc top 5% ngành học ở Úc

Cô gái này không chỉ xinh xắn, có nụ cười tỏa nắng mà còn được mệnh danh là "văn võ song toàn" vì thành tích...

Tin mới

Nước Úc

Một cô gái tuổi teen đã bị cá mập tấn công tại bãi biển Bargara ở Queensland

Bé gái 13 tuổi đang được điều trị vết thương nhỏ, không nguy hiểm đến tính mạng ở lưng trên và dưới.

Nước Úc

Cảnh tượng 'kinh tởm' ở bãi biển nổi tiếng nước Úc

Những người Úc choáng váng đã suy đoán điều tồi tệ nhất sau khi nhìn thấy thứ mà họ nghĩ là lượng nước...

Nước Úc

Cảnh sát 'hoàn toàn kinh hoàng' điều tra vết thương của em bé

Sau khi con gái ông được đưa đến bệnh viện, một người đàn ông nói với cảnh sát rằng ông biết mình sẽ...

Đời sống

Cảnh sát kêu gọi sự giúp đỡ của công chúng trong cuộc điều tra vụ nổ súng mafia

Cảnh sát vẫn chưa biết có bao nhiêu người liên quan đến vụ hành quyết một nhân vật bị tình nghi là mafia ở...

Nước Úc

Người bắt rắn ở Melbourne, Mark Pelley, đấu tranh giành sự sống sau khi bị rắn hổ độc cắn

Một người bắt rắn người Úc đã ngừng thở nhiều lần và đang đấu tranh giành sự sống sau khi bị rắn độc...

Nước Úc

CCTV ghi lại khoảnh khắc nhà máy ở Sydney bốc cháy

Video gây sốc đã xuất hiện từ bên trong một đám cháy đáng ngờ xé toạc một nhà máy ở Sydney.

Đời sống

Thiếu niên 17 tuổi bị cáo buộc lái xe quá tốc độ cho phép 100km/h khi bị cảnh sát truy đuổi ở Sydney

Một học viên lái xe 17 tuổi bị cáo buộc lái xe quá tốc độ cho phép 100 km/h trong cuộc truy đuổi tốc độ cao của...

Nước Úc

Người phụ nữ Úc Angelina Smith thiệt mạng trong vụ lở đất ở Bali

Một phụ nữ Úc đã thiệt mạng cùng với người bạn đời Hà Lan trong vụ lở đất ở Bali đã được xác định...