Các nhà khoa học Mỹ chỉ ra cách phản ứng của những khối mỡ thừa trong cơ thể trước những điều bạn không ngờ tới có thể là nguyên nhân khiến hít không khí thôi cũng mập.
Có thể khó tin nhưng thời điểm mà bạn ăn có thể dẫn đến một tác động hỗn hợp bao gồm giảm tiêu hao năng lượng, cảm thấy lúc nào cũng đói và khiến mỡ thừa thành “pháo đài” bền vững, khó trị – đó là kết luận từ một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Cell Metabolism.
“Chúng tôi muốn kiểm tra các cơ chế có thể giải thích tại sao ăn khuya làm tăng nguy cơ béo phì” – tờ SciTech Daily dẫn lời tiến sĩ Frank A.J.L. Scheer, Giám đốc chương trình Sinh học y khoa thuộc Bộ phận Rối loạn giấc ngủ và mạch của bệnh viện Brigham and Women (Boston – Mỹ), tác giả cao cấp của nghiên cứu.
Đó là một “câu hỏi muôn thuở”, bởi nhiều người hay ăn khuya vất vả đối mặt với những khối mỡ thừa và cân nặng “khó trị”, cho dù họ không hề ăn nhiều hơn người khác. Tình trạng này thường được giải thích sơ bộ rằng giờ ăn có thể liên kết mạnh mẽ với khả năng chuyển hóa.
Tuy nhiên khi nghiên cứu ở cấp độ phân tử, các nhà khoa học đã phát hiện những cơ chế mới.
Để đo lường thời gian ăn uống tác động thế nào đến các quá trình hình thành mỡ, họ đã thu thập sinh thiết mô mỡ từ một nhóm tình nguyện viên, bao gồm nhóm người thường ăn uống sớm và nhóm người ăn muộn.
Các tình nguyện viên có cùng giờ ngủ và đã được thực hành giao thức ăn sớm hoặc ăn muộn trong vòng 2-3 tuần.
Kết quả chỉ ra giờ giấc tác động sâu sắc đến các nội tiết tố điều khiển sự thèm ăn. Vào cuối ngày, mức hormone leptin – tín hiệu báo hiệu cảm giác no – đã giảm mạnh, thúc đẩy việc bạn nạp nhiều calo hơn các bữa sớm.
Chưa kể, thay đổi nội tiết và các chu trình khác cũng khiến bạn đốt cháy khối calo vừa nạp với tốc độ chậm hơn, đồng thời biểu hiện gien mô mỡ theo hướng tăng sinh và giảm phân giải mỡ, thúc đẩy sự phát triển các khối mỡ thừa.
Việc luyện tập một cơ chế đốt calo, đốt mỡ chậm chạp và thói quen ăn nhiều trong một bữa chắc chắn sẽ không chỉ tác động đến bữa ăn khuya. Vì vậy, cho dù cố gắng kìm hãm trong các bữa ăn khác hay tổng lượng ăn uống không nhiều, những sự thay đổi cốt lõi trong phản ứng của mô mỡ trước thực phẩm đủ thành rắc rối.
“Nghiên cứu này cho thấy tác động của bữa ăn muộn so với bữa ăn sớm. Chúng tôi đã cô lập những tác động này bằng cách kiểm soát các biến số gây nhiễu như lượng calo, hoạt động thể chất, giấc ngủ, sự tiếp xúc ánh sáng… Nhưng trên thực tế, nhiều yếu tố này có thể bị ảnh hưởng bởi thời gian ăn” – tiến sĩ Sheer cho biết.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế Mỹ (NIH), trong bối cảnh 42% người Mỹ bị béo phì, tình trạng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác.